CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 19,16-22
Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Tl 2,11-19
Giữa cuộc vào đất hứa lần đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Giôsuê vào khoảng năm 1200. Và việc thành lập vương quốc vững chắc do Saulê, rồi Đavid, vào năm 1000, vậy là kéo dài trong hai thế kỷ. Đây là “thời kỳ các thủ lãnh”. Dân Do Thái dần dần an cư tại Palestin. Các bộ lạc còn rất cá biệt, không ngừng bị dòm ngó bởi sự thù nghịch của dân bản xứ, và họ dễ dàng chấp nhận việc thờ kính ngẫu thần của các dân tộc, xứ Canaan. Khi đó, “dưới sự linh ứng của Thần khí Giavê”, nổi lên các thủ lãnh, nghĩa là các bậc anh hùng đến tái lập hoàn cảnh chính trị thích hợp …
Trang sách Hôm Nay chúng ta suy gẫm là một tự ngôn thuộc về giáo thuyết một loại thần học về lịch sử gồm 4 thời.
1. Dân Israel bỏ Thiên Chúa để theo các thần giả…
2. Hình phạt thần linh xảy ra dưới hình thức những thất bại quân sự …
3. Dân chúng khẩn cầu Thiên Chúa cứu họ và làm việc sám hối.
4. Thiên Chúa tha thứ và sai một thủ lãnh đến giải cứu họ …
1. Sau khi Giosuê chết, con cái Israel làm điều gian ác trước mặt Chúa và phụng thờ các thần Baal … Họ theo các thần ngoại, những thần các dân tộc cơ ngực chung quanh chúng.
Chúng ta cần dè giữ để khỏi ở lại tình trạng “của thời đó” được gợi lên ở đây, thời đại chúng ta, Hội Thánh của chúng ta, các Kitô hữu Hôm Nay, chúng ta lại không rơi vào cùng một sự bất trung như vậy sao? Sự bất trung một cách chính xác, hệ tại chỗ để cho mình bị tiêm nhiễm, như ngày xưa, bởi thứ ngoại giáo duy vật bao quanh chúng ta. Cả chúng ta nữa, chúng ta lại không thừa nhận những tâm thức vô thần khi buông theo sự thờ phụng bạc tiền và tiện nghi sao?
Tôi dành giờ để nhìn vào đời mình để khám phá ra ở đó tôi đã để mình bị đầu độc … mà có thể không quan tâm tới chăng.
2. Thiên Chúa thịnh nộ Israel, trao chúng vào tay bọn cướp. Bọn này bắt chúng và trao cho quân thù ở trao cho quân thù ở chung quanh chúng, chúng không sao chống lại được địch thù … chúng phải chịu khổ cực nặng nề.
Chúng ta hãy ghi nhận rằng hình phạt do chính sự dữ mà đến: người ta bị phạt vì đã phạm tội. Chính những lần ban mà người ta bắt chước lãnh việc làm khổ dân Israel. Như thế, chính việc thử thách trở thành một loại trống rỗng: Bị bỏ rơi theo một cuộc sống không có Chúa, bị trao cho sự ưu tư … siêu hình về thân phận con người… Thực sự, không có hình phạt nào tồi tệ hơn.
3. Chúa đã chạnh lòng thương (thấy) họ kêu than, trước những kẻ ức hiếp và đàn áp họ.
Đây là một chân lý thường hằng: không thể có Giao ước với Thiên Chúa mà không trung thành. Người ta không thể kể là bạn hữu của Thiên Chúa, nếu người ta tự ý làm điều dữ: không thể có sự điều hòa chung giữa Thiên Chúa thánh thiện và công chính với những bất công và hèn nhát của chúng ta.
Nhưng về phần Chúa, Giao ước Người thực hiện với nhân loại không bị từ khước. Một chân lý thường hằng khác: sự trung thành của Thiên Chúa, không mệt mỏi, không hề từ bỏ ý định cứu chuộc và thi ân. Nhưng phải có sự đồng ý.
4. Chúa khiến các quan án đứng ra giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột… khi Chúa khiến các quan án đứng ra, Người giải thoát chúng khỏi tay những người bóc lột, sát hại, …
Việc giải thoát khỏi các thù địch nhất thời là một tiếp cận đầu tiên với “ơn cứu rỗi” mà lịch sử thánh sẽ mạc khải bản chất chân thực. Thiên Chúa cứu vớt! Ơn cứu rỗi dứt khoát sẽ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Lạy Chúa, xin cảm tạ ơn cứu chúng con.
Bài đọc II: Ed 24,15-24
Chúng ta đã đọc thấy nhiều lần, một biến cố riêng tư trong đời sống vị ngôn sứ cũng sẽ là biểu tượng của một tình huống cho toàn dân Israel.
Êdêkien mất người vợ ngay trong ngày Giêrusalem sụp đổ. Và đó là dịp để ông sống thảm kịch của Thiên Chúa.
Sấm của Giavê đến với tôi.
Nếu chúng ta biết chú ý, Thiên Chúa ngỏ lời thật sự với chúng ta, ngay trong các tình huống nhân loại của chúng ta.
Này Ta sẽ tức khắc cất lấy vợ ngươi, cất các khóai lạc khỏi mắt ngươi.
Ta thấy có tình âu yếm trong các tiếng này: “Cất các khoái lạc khỏi mắt ngươi”.
Thế là, đối với Thiên Chúa, Giêrusalem đẹp lắm, nó như người vợ đã kết hợp với Người trong tình yêu, nó đã làm “mắt Người vui thích”.
Dựa theo lời diễn tả này, không ai cấm tôi mơ mộng, tưởng tượng những tâm tình của Thiên Chúa đối với loài người, đối với tôi.
Tất cả các kinh nghiệm nhân loại của ta, được các ngôn sứ lấy lại để nói với ta điều gì về Thiên Chúa. Đặc biệt, kinh nghiệm của đời sống lứa đôi, thường được đề cập đến nhiều nhất.
Tôi có dùng các kinh nghiệm của tôi mà cầu nguyện không?
Kinh nghiệm phải xa cách với người mình yêu thương: qua trang sách này, Thiên Chúa mạc khải cho ta rằng Người cảm biết điều đó thấm thía.
Nhưng ngươi không được thốt ra lời than vãn, không được khóc thương, không chảy nước mắt. Phải âm thầm mà rên siết, không được để tang.
Sự vô tình hiển nhiên này có ý nghĩa gì?
Êdêkien sẽ phải giải thích thái độ lạ thường ấy cho dân. Nghĩa là, vào ngày Giêrusalem sụp đổ, không ai có thời giờ để khóc than vì họ bị bắt buộc phải vội vã lên đoàn xe đi đày về Babylon. Hơn nữa, vào ngày đó, việc than khóc sẽ không ích lợi gì và quá chậm trễ rồi: tốt hơn là cam chịu việc phải chịu.
Đó là một sứ điệp nghiêm khắc và dường như đầy thất vọng.
Quá muộn rồi!
Chúa phán, đã một giờ rồi, quá muộn rồi!
Tôi còn nói với dân chúng ban sáng, và đến chiều là vợ tôi chết. Sáng hôm sau, tôi vâng lời như đã được lệnh.
Phải can đảm lắm mới làm ngôn sứ được.
Lạy Chúa, xin cho chúng con can đảm chấp nhận các thử thách, và nếu có thể, tìm gặp trong đó một ý nghĩa.
Các ngươi sẽ làm điều Ta đã làm, các ngươi sẽ không được khóc …
Thỉnh thoảng có lúc gặp đau khổ đến cực độ: người ta không còn sức để khóc nữa, không thể làm gì được nữa.
Nhưng các ngươi sẽ bị tội lỗi đè nặng và sẽ khóc than với nhau, người này với người khác.
Tội.
Mỗi một trang Kinh thánh đều bày tỏ sự hiện diện ghê rợn của tội trong nhân loại. Còn chúng ta, chúng ta thường bị cám dỗ quên đi sự hiện diện của tội lỗi. Nhưng nó vẫn còn đó. Biết lột mặt nạ của nó là một ân huệ. Biết mình bị tội đè nặng, tôi phải ý thức hơn, khóc than tội mình, nhìn nhận mình là tội nhân … cuối cùng, đó là một ân huệ.
Những trường hợp đau khổ trong cuộc sống giúp chúng ta ý thức hơn. Ta phải tạ ơn Chúa về ánh sáng này, nó sẽ giúp ta lập lại cuộc đời.
BÀI TIN MỪNG: Mt 19,16-22
Có một người đến thưa với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được sự sống đời đời?”
Người này biết mục đích của đời người: sự sống đời đời… Anh cũng nhận biết con đường đi tới làm việc thiện… Đời này sống tốt, sẽ chuẩn bị cho nếp sống vĩnh tồn mai sau tốt đẹp.
Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi…
Ta hãy tiến sâu vào đời sống tâm lý của Đức Giêsu. Thiên Chúa luôn hiện diện trong tư tưởng của Người. Khi người ta hỏi Người về điều tốt lành, Người liên tưởng ngay đến Thiên Chúa: Chỉ mình Thiên Chúa mới tốt lành… Chỉ mình Người mới là Hữu Thể thiện hảo.
Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.
Con người chỉ tốt lành, khi sống phù hợp với Thiên Chúa: vì các điều răn đều do Chúa. “Lạy Cha, nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Người ấy hỏi: “Điều răn nào?” Đức Giêsu đáp: “Không được giết người… không ngoại tình… không được trộm cắp… không được làm chứng gian… phải thờ cha kính mẹ… và phải yêu đồng loại như chính mình…”.
Thật là hết sức lạ thường! Đức Giêsu trưng dẫn Thập điều, nhưng Người bỏ qua vài điều răn và lại thêm vào một.
Đức Giêsu bỏ “ba điều răn đầu tiên” của Thập điều, liên hệ đến bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa. Người chỉ nhắc đến những bổn phận đối với con người. Và Người thêm vào Thập điều giới luật yêu tha nhân.
Tuy thế, Đức Giêsu không bỏ quên Thiên Chúa. Như chúng ta đã thấy đó.
Nhưng đúng ra, Người chỉ gợi lên cho ta điều mà Thánh Gioan sau này sẽ xác quyết: “Người không yêu kẻ gần cận mà họ thấy được, thì cũng không thể yêu Thiên Chúa mà họ không thấy”. Thiên Chúa được vâng phục và yêu mến, khi ta yêu thương anh em mình. Khi ta không yêu thương anh em, cũng được coi như ta đang xúc phạm đến Thiên Chúa.
Ta cũng nên lưu ý đến nét tự nhiên trong các điều răn trên: Đó không phải là cái gì đặc biệt cả … đó là luật lương tâm phổ quát rất thịnh hành … Do đó, theo Đức Giêsu, con đường dẫn đến sự sống đời đời, đơn thuần chỉ là theo luật của lương tâm con người. Công đồng Vatican II nói: “Lương tâm là tiếng Thiên Chúa nói trong sâu kín của mỗi tâm hồn con người”. Thật là phấn khởi biết bao, khi ta nghĩ đến biết bao người ngay thẳng, chưa có Đức Tin, nhưng vẫn trung thành tuân giữ các điều răn trên theo lương tâm họ!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết vâng theo tiếng lương tâm và tất cả những gì là thiện hảo.
Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ. Tôi còn phải làm gì nữa không?
Rõ ràng, người thanh niên này đang chờ đợi một câu trả lời độc đáo, chưa từng có. “Thật vậy sao? Đó là tất cả những gì phải làm sao?”.
Đức Giêsu luôn đơn thành sống phù hợp với truyền thống của dân tộc Người, với sinh hoạt chung của nhân loại.
Nếu anh muốn nên hoàn thiện …
Đó là viễn tượng Đức Giêsu luôn nhắm tới. Ngay trong việc hằng ngày, điều tầm thường, hay đạo lý tự nhiên của các nguyên tắc sống hiện hành … Đức Giêsu vẫn không quên sự “hòan hảo”: “Anh em hãy trở nên hòan hảo như Cha anh em ở trên trời, là Đấng hoàn hảo” (Mt 5,48).
Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy về bán tài sản của anh mà bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, và anh ta có nhiều của cải.
Đối với Thiên Chúa, cần thể hiện tự do. Theo các đánh giá của Đức Giêsu, người thanh niên này chưa “hoàn thiện”, vì tâm hồn anh không thể thuộc về Thiên Chúa mà không bị chia sẻ… lòng dạ anh vẫn còn dính bén đến của cải. Anh bị vây hãm trong đó. Cái gọi là “của cải”, thay vì phục vụ, lại gây trở ngại cho anh. Và hậu quả, thật là đáng buồn.
Giáo phận Nha Trang - Chú Giải
Người Thanh Niên Giàu Có
HOÀN CẢNH:
Thái độ hiền lành hoà nhã của Đức Giê Su đã thu hút được đủ mọi hạng người. một chàng niên giàu có, Luca gọi là “Thủ lãnh” (Lc 18,18-23), đến hỏi Đức Giê Su về điều kiện phải có để được sống đời đời.
Ý CHÍNH:
Diễn tiến cấu tạo nên toàn bộ bài Tin-Mừng nói về người thanh niên giàu có:
a) Lời kêu gọi của Chúa Giê-su kết thúc trong thất bại.
b) Sự suy nghĩ và hiểm hoạ của sự giàu có (c.3-26)
c) Lời chất vấn của Phêrô khiến cho Đức Giê Su đã đưa ra lời hứa củng cố tinh thần các môn đệ (c.27-30).
TÌM HIỂU:
16“Tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời”
-Đại ý câu chuyện; con đường hoàn thiện dẫn đến sự sống đời đời không phải là việc người ta làm, nhưng là tin theo Đức Giê Su và sống theo người. ý nghĩa đó được trình bày qua câu chuyện đối thoại giữa người thanh niên giàu có với Đức Giê Su.
-Chàng thanh niên mà Luca gọi là “Thủ lãnh” và Macco gọi là người giàu có, đã có một tâm hồn thao thức muốn đạt đến sự sống đời đời mà của cải dồi dào không làm cho anh ta thỏa mãn và an tâm, có thể anh đã đến xin Chúa chỉ vẽ cho anh.
17-19“Đức Giê Su đáp …”:
Sau khi đã xác định sự tốt lành chỉ dành riêng cho Thiên-Chúa mà thôi, để khơi cho anh niềm tin vào Thiên-Chúa, Đức Giê Su đã trả lời cho anh rằng để tỏ thiện chí muốn được sự sống đời đời, thì hãy tuân giữ các điều răn.
20“…Tất cả những điều răn ấy tôi đã tuân giữ…”:
Xét về phương diện bổn phận, người thanh niên đã chu toàn, nhưng anh chưa cảm thấy an tâm, và như vậy anh muốn vươn cao hơn nữa.
21“Nếu anh muốn nên hoàn thiện…”
Lời hướng dẫn này cho thấy: chỉ tuân giữ các điều răn, tuy là căn bản, nhưng chưa trọn vẹn, vì thế cần phải đi nên nữa mới tới được cõi sống thật.
- Để diễn tả con đường đi lên đến sự sống đời đời, Đức Giê Su ngỏ lời:
+ “Nếu anh muốn lên hoàn thiện”: đây là lời mời gọi có tính cách tôn trọng sự tự do lựa chọn và quyết định của người được gọi. Một khi đã quyết định sống đời hoàn thiện, nghĩa là sống hoàn toàn cho Thiên-Chúa trong đời sống thánh hiến, thì phải thực thi những điều kiện sau đây:
*Hãy đi bán tài sản của anh: tài sản đây là những của cải vật chất, nhưng hiểu rộng ra tất cả những sở hữu của mình, kể cả bản thân mình.
*Đem cho người nghèo: có nghĩa là ở trong tình trạng nghèo khó, không giữ lại cho mình một sự bảo đảm nào ở trần gian để được thong dong theo Chúa, và tín thác vào Chúa trong mọi sự kể cả những nhu cầu vật chất của bản thân. Đồng thời “đem cho người nghèo” cũng mang ý nghĩa tận tình phục vụ tha nhân trong công việc Tông Đồ truyền giáo.
"Anh sẽ được một kho tàng trên trời”:
Đây là một lời hứa: vì bán đi những gì mình có để được mối lợi là kho tàng trên trời.
“Hãy theo tôi”: đây là một đòi hỏi quyết liệt:
- Đối với chàng thanh niên Do Thái này, sống đạo cũ (Do Thái giáo) là điều cơ bản, nhưng phải được kiện toàn bằng tin theo Đức Giê Su. Vì thế, ở đây chàng thanh niên này là tiêu biểu cho dân tộc Do Thái. Họ quá hãnh diện và tự mãn về truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ nên đã khước từ Chúa Giê-su.
- Đối với mọi người: sống một cuộc sống tốt và tiêu cực: như không làm điều gì xấu …, chưa đủ, mà còn phải tin Chúa Giê-su để trở nên Kitô hữu và sống theo Chúa dạy, nghĩa là sống hoàn toàn cho Chúa trong đời thánh hiến để phụng sự Thiên-Chúa và phục vụ phần rỗi cho mọi người.
22 “… người thanh niên buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”:
Lời kêu gọi của Chúa Giê-su kết thúc trong thất bại: sự thất bại này không do ý muốn của người được gọi, vì anh ta buồn rầu bỏ đi chứ không vui sướng gì, nhưng là do sự lôi cuốn quá mạnh mẽ của tiền của và vật chất, vì lý do anh ta “có nhiều của cải!”. Chính vì tiền của vật chất chi phối con người mạnh mẽ đến như vậy, nên muốn theo Chúa thì phải giữ lời khấn khó nghèo là vì vậy.
NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:
1. Nhìn vào Chúa Giê-su:
a) Xem việc Chúa làm:
- Thái độ hiền lành, hòa nhã của Chúa Giê-su đã thu hút nhiều người, trong đó có chàng thanh niên giàu có này. Người Tông Đồ cần có thái độ hiền lành hòa nhã và có lòng rộng mở đón tiếp để dễ dàng đến với bất cứ ai và đồng thời cũng để bất cứ ai cũng dễ dàng đến với mình. Nhờ vậy có được tương giao tốt trong công việc Tông Đồ.
- Để theo Chúa, Chúa Giê-su đòi hỏi người ta phải có các điều kiện tối thiểu là giữ các giới răn; nhưng để theo Chúa cách trọn vẹn và bảo đảm cho sự sống đời đời thì Chúa đề nghị một lời mời gọi để con người tự do lựa chọn và quyết định: “Nếu anh muốn được nên hoàn thiện …”.
- Việc sống tốt đúng với phẩm giá con người, thì cần phải đòi hỏi để người ta tỏ thiện chí cách cụ thể qua việc sẵn sàng sửa đổi mình. Nhưng để trở thành người Tông Đồ của Chúa trong đời sống thánh hiến thì phải biết tôn trọng sự tự do của con người trong việc lựa chọn và quyết định.
b) Nghe lời Chúa nói:
- “Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi”:
Thiên-Chúa là Đấng tốt lành, ai muốn tốt lành thì phải noi gương Chúa, sống tốt lành mỗi ngày một hơn. Như vậy không ai tự mãn mình là tốt lành nhưng phải luôn luôn cố gắng nỗ lực nên tốt lành theo mẫu gương của Chúa là Đấng tốt lành.
- “Nếu muốn vào cõi sống thì hãy giữ các điều răn”:
Ai muốn vào Nước-Trời thì phải giữ các điều răn: nghĩa là tuân giữ luật Chúa, luật Hội Thánh, luật cộng đoàn và luật bổn phận của mỗi người.
- Các điều răn Chúa trưng ra đây, không phải những mệnh lệnh liên quan đến việc phụng sự Thiên-Chúa độc nhất, nhưng lại liên quan đến các tương giao với tha nhân, như không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp … Điều này chứng tỏ Chúa muốn người ta phụng sự Thiên-Chúa cách cụ thể qua việc sống tương giao tốt với tha nhân, vì mến Chúa và yêu người là hai điều răn trọng nhất.
- “Nếu anh muốn hoàn thiện, thì anh hãy đi bán tài sản của anh …”:
Chúa mời gọi những ai theo Chúa thì phải đặt ưu tiên cho Chúa bằng cách cắt đứt mọi cản trở về vật chất để sống khó nghèo, và đồng thời sẵn sàng truất hữu những tài sản tinh thần như tài năng, sức khỏe, tâm trí … để phục vụ tha nhân.
- “Rồi hãy đến theo tôi”:
Kiểu nói “theo” ở đây, chúng ta có thể hiểu tinh thần của Thánh Phao-lô: Sau khi đã cởi bỏ con người cũ (bán tài sản) thì phải mặc lấy con người mới theo Chúa Kitô, nghĩa là nỗ lực cách kiên trì để nghe lời Chúa nói mà thi hành, và xem việc Chúa làm để noi gương bắt chước hầu thánh hóa bản thân và thánh hóa tha nhân.
2. Nhìn vào chàng thanh niên giàu có:
- “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt …”:
Người này biểu lộ một tinh thần khiêm nhường, vì tuy đã giữ mọi điều răn nhưng vẫn chưa lấy làm đủ; đồng thời biểu lộ một tinh thần cầu tiến, vì muốn hỏi Chúa chỉ vẽ cho biết cần phải làm gì thêm để bảo đảm sự sống đời đời.
Tinh thần của người này giúp chúng ta thức tỉnh:
- Đừng tự mãn về những việc đạo đức của mình để rồi sao lãng việc tiến đức.
- Cần phải biết thao thức học hỏi, tìm hiểu thêm để sống thánh thiện hơn, vì “vô tri bất mộ”.
- “Người ấy hỏi: điều răn nào?”:
Đây là tâm trạng của người muốn đào sâu về giáo lý. Chúng ta cần có tinh thần muốn đào sâu, thấy rộng về những giáo huấn của Chúa, về những vốn liếng giáo lý của mình đã học hỏi để tăng thêm lòng mộ mến Chúa và hăng say dấn thân sống theo Chúa hơn.
- “Tất cả những điều ấy tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?”:
Đây là tâm trạng của người muốn vươn mình lên, muốn thăng tiến cuộc sống trong niềm trông cậy được sự sống đời đời. Noi gương người này trên đường tìm kiếm Nước-Trời, chúng ta không được tự mãn về những gì mình đã biết hay đã làm, nhưng phải thao thức biết nhiều hơn nữa, làm hơn nữa cho cuộc sống đời đời của mình.
- “Chàng thanh niên buồn rầu bỏ đi …”:
Của cải vật chất đã cản trở chàng thanh niên này theo Chúa, để dễ dàng theo Chúa, chúng ta phải thành tâm thiện chí sống khó nghèo để được tự do và thong dong theo Chúa.